Ngày 20/12/2024, tại Hòa Lạc, Viện Công nghệ Thông tin ĐHQGHN chủ trì hội nghị tổng kết năm 2024 nhóm các viện nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN, nhằm đánh giá các kết quả đạt được trong năm qua và phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn mới. An Bình, Quốc Toản – VNU Media
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chủ trì hội nghị; cùng tham gia chủ trì có Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Trần Thị Thanh Tú và Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin Trần Xuân Tú.
ĐHQGHN đến nay có 5 viện nghiên cứu thành viên gồm: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, Viện Vi Sinh vật & Công nghệ Sinh học, Viện Tài nguyên & Môi trường và Viện Trần Nhân Tông. Các Viện cùng có sứ mệnh đào tạo chuyên gia chất lượng cao ở bậc tiến sĩ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, tư vấn và chuyển giao nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, phổ cập công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, ĐHQGHN sẽ giao cho đại diện một viện chủ trì tổ chức hội nghị nhóm viện nghiên cứu thường niên, để các nhà quản lý, nhà khoa học của khối viện cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình đã triển khai trong năm qua, đồng thời cùng đưa ra giải pháp hữu ích để cùng nhau liên kết đảm bảo tính hiệu quả của mỗi viện. Hội nghị là dịp thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về các điểm hạn chế đang gặp phải, để tin tưởng vào một sự phát triển của các viện trong mô hình đại học nghiên cứu của ĐHQGHN trong thời gian tới và đồng hành thực hiện chiến lược phát triển ĐHQGHN là một đại học của Việt Nam đến năm 2030 lọt trong tốp 500 các trường đại học tốt nhất thế giới.
Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, các nhà khoa học, nhà quản lý của viện cần tập trung đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả xoay quanh việc các viện sẽ tiếp tục được đầu tư, vun cao phát triển trong mô hình đại học nghiên cứu, gắn với bài toán “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo chiến lược phát triển của ĐHQGHN. Mỗi viện sẽ là một Hub để thu hút, tập trung các khối trường, các nhà khoa học tăng cường liên kết, nghiên cứu tạo sản phẩm tốt, chất lượng gắn với thị trường. ĐHQGHN với thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực vậy nên các viện cần biết tận dụng lợi thế để phối hợp, gắn kết, liên thông, liên lĩnh vực để cùng nhau tạo nên một dự án mang tầm chiến lược, ảnh hưởng tới xã hội, góp phần tạo nên điểm sáng về khoa học công nghệ cho ĐHQGHN nói riêng và thực hiện trách nhiệm quốc gia.
Trong mô hình đại học nghiên cứu, việc ưu tiên phát triển các viện nghiên cứu luôn được ĐHQGHN quan tâm, các viện nghiên cứu dần dần phải là các trung tâm nghiên cứu dẫn dắt các chương trình nghiên cứu, chịu trách nhiệm phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mang tầm vóc lớn của ĐHQGHN, có sự ảnh hưởng và lan tỏa, thu hút các cán bộ nghiên cứu trong ĐHQGHN đến làm việc tại các viện nghiên cứu, giống như các trường đại học là nơi thu hút các cán bộ nghiên cứu của các viện nghiên cứu tới giảng dạy tại các trường.
Cùng với sự phát triển và dịch chuyển hoạt động lên Hòa Lạc, năm 2025 chúng ta sẽ khởi công xây dựng Khu nghiên cứu liên ngành 22.9 ha, thực hiện một số dự án mua sắm các phòng thí nghiệm trọng điểm với nguồn vốn World Bank và chương trình phát triển chip bán dẫn, những cơ hội đầu tư này có thể sẽ là những thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc đầu tư, vun cao cho các Viện nghiên cứu thành viên của ĐHQGHN.
Phó Giám đốc ĐHQGHN đánh giá cao những thành tích các viện đạt được trong năm qua với nhiều điểm sáng, ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các viện và Ban Khoa học Công nghệ. Cụ thể, điểm nhấn là lĩnh vực hợp tác với doanh nghiệp tăng mạnh, đề tài quốc tế tăng trưởng đột phá, kết quả dịch vụ tăng trưởng mạnh tại các viện.
Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các nhóm nghiên cứu, cán bộ trẻ tại các viện cần quan tâm phát triển để có các đề tài để nộp cấp bộ, cấp quốc gia, có các hợp tác quốc tế để gia tăng kết quả. Các viện nhanh chóng thí điểm mô hình quản lý liên thông, đề xuất nhiệm vụ khung để thực hiện kết quả hành động theo chỉ số ĐHQGHN đặt ra. Sức mạnh nghiên cứu nằm ở các viện nghiên cứu góp phần vào sự phát triển khoa học công nghệ của nước nhà.
Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú đã chia sẻ các kế hoạch thực hiện, tầm nhìn chiến lược chung về lĩnh vực khoa học công nghệ của ĐHQGHN nói riêng và đất nước nói chung. Đồng thời, GS. Trần Thị Thanh Tú cũng đã nêu ra những bài học kinh nghiệm về mô hình phát triển tại nhiều viện nghiên cứu trên thế giới. Trưởng Ban cũng đề nghị các viện cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, tăng cường truyền thông, phối hợp nâng cao năng lực, ứng dụng quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ bằng hệ thống quản lý chung trực tuyến của ĐHQGHN.
Tại hội nghị đại diện lãnh đạo 5 viện nghiên cứu đã trình bày các thành tựu, thực trạng, giải pháp và những bài học kinh nghiệm để cùng nhau phát triển trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Viện Công nghệ thông tin cho biết trong năm 2024, Viện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo nên nhiều điểm sáng trong lĩnh vực hợp tác đào tạo gắn với doanh nghiệp, địa phương, bài báo khoa học công bố quốc tế như: Tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về “Thiết kế và Kiểm chứng Vi mạch tích hợp”; ra mắt Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng thuộc Viện Công nghệ Thông tin (AIRC); khai giảng các khóa đào tạo giảng viên Chương trình đào tạo UpSkill về Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng; đưa vào vận hành Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN và RMIT tại Hòa Lạc (VNU-RMIT Innovation Hub); đào tạo và trao bằng cho 05 nghiên cứu sinh.
Duy trì mức xếp hạng 5 SAO theo tiêu chí đại học nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo và tiếp tục duy trì công bố khoa học quốc tế trên danh mục WoS/Scopus ở mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu của ĐHQGHN; Viện CNTT đã bước đầu xây dựng thành công môi trường nghiên cứu tích cực thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, sự kiện khoa học trong nước và quốc tế; tiếp đón nhiều đoàn chuyên gia và sinh viên quốc tế đến trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Xây dựng Đề án phát triển Viện CNTT đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với lộ trình tập trung phát triển 5 trụ cột nghiên cứu khoa học có tầm ảnh hưởng cao. Cụ thể, giai đoạn đầu tập trung phát triển 3 trụ cột: (1) Trí tuệ nhân tạo ứng dụng; (2) Thiết kế vi mạch bán dẫn và ứng dụng; và (3) An toàn hệ thống thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Tiến tới đến năm 2030, mở rộng thêm hai lĩnh vực mũi nhọn: (4) Điều khiển thông minh và công nghệ robotics; và (5) Công nghệ tính toán và hạ tầng dữ liệu; Triển khai nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ của nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp; Hoạt động hợp tác trong và ngoài nước phong phú, gia tăng nguồn lực KH&CN cho đơn vị.
Đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, trong năm 2024 cũng là năm viện để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động đào tạo, viện đã tuyển sinh được 8 nghiên cứu sinh (NCS), nâng quy mô đào tạo của viện lên 29 NCS; Công tác biên soạn giáo trình cũng được tăng cường; bài báo khoa học công bố được duy trì; Viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai KHCN, tham gia triển lãm các sản phẩm KHCN tại các sự kiện quan trọng của ĐHQGHN, các bộ và địa phương tổ chức. Số lượng nhiệm vụ và hợp đồng KHCN; Hoạt động tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ cũng đã được đánh giá cao trong năm qua; lĩnh vực hợp tác và phát triển được gia tăng và đóng góp vào xếp hạng của ĐHQGHN.
Lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông nhấn mạnh, trong năm 2024, Viện đã đạt được những kết quả vượt bậc trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ (KPIs) được giao, khẳng định vị thế và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ĐHQGHN và khoa học công nghệ. Viện đã nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đạt được kết quả vượt chỉ tiêu về kinh phí; Công tác phát triển nhóm nghiên cứu được Viện đặc biệt quan tâm và triển khai một cách có hiệu quả với việc thành lập một nhóm nghiên cứu mới, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển thêm các nhóm nghiên cứu trong tương lai; Viện đã hoàn thành mục tiêu về công bố quốc tế; Hoạt động tư vấn chính sách và hợp tác với địa phương đạt được thành tích xuất sắc vượt chỉ tiêu KPIs; Tiếp tục triển khai các bước trong Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông; Trong công tác đào tạo, không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu học tập và nghiên cứu hiện đại. Viện đã tập trung phát triển các chương trình đào tạo mới, đồng thời cải tiến quy trình tuyển sinh và quản lý học viên, giúp nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra; Tăng cường hợp tác phát triển trong nước và quốc tế.
Năm 2024, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển tiếp tục khẳng định được uy tín và vị thế của một Viện nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng, đã đạt được những thành tựu nổi bật. Viện tiếp tục chủ trì thực hiện 03 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 09 đề tài cấp bộ/ĐHQGHN; Công bố quốc tế thuộc hệ thống danh mục ISI/SCOPUS tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số 17 bài quốc tế được công bố, có 16 bài thuộc hệ thống ISI/SCOPUS, tăng gấp 2 lần so với năm 2023, đạt 88,9% so với chỉ tiêu ĐHQGHN giao (18 bài). Viện đã tổ chức thành công 02 hội thảo khoa học, 04 tọa đàm khoa học, 01 buổi thảo luận, 01 triển lãm KH&CN quốc tế và nhiều sự kiện khác có sự tham dự của các chuyên gia, đối tác trong nước và quốc tế, cộng đồng địa phương. Năm 2024, Viện tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển sinh tiến sĩ do ĐHQGHN giao từ đầu năm (03 chỉ tiêu), với 07 NCS nhập học, trong đó có 03 NCS là người nước ngoài. Trong năm 2024, Viện bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chương trình thạc sĩ Quản trị Địa phương; Hợp tác quốc tế và chỉ số quốc tế hóa của Viện tiếp tục phát triển mạnh. Viện VNH&KHPT là Viện nghiên cứu cơ bản, liên ngành, định hướng ứng dụng nên các hoạt động nghiên cứu ngày càng có xu hướng gắn kết với chuyển giao và ứng dụng trong thực tiễn phát triển đất nước và các địa phương.
Viện Viện Vi Sinh vật & Công nghệ Sinh học trong năm 2024 đã để lại nhiều điểm sáng, đặc biệt là thành lập mô hình doanh nghiệp hoạt động trong viện – Công ty Ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh vật trực thuộc Viện. Điều này đã góp phần gia tăng vị thế của Viện cũng như sẽ thu hút được hợp tác với các đối tác doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ngoài ra, năm qua viện cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong khoa học và công nghệ, nghiên cứu nhiều sản phẩm và chuyển giao, thương mại hóa cao. Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu thu thập, bảo tồn, tư liệu hóa cơ sở dữ liệu online và khai thác các nguồn gen vi sinh vật bản địa nhằm định hướng ứng dụng trong thực phẩm lên men truyền thống, thực phẩm chức năng, y dược học, chăn nuôi, trồng trọt và xử lý ô nhiễm môi trường.
An Bình, Quốc Toản – VNU Media