Trang chủ » Giới thiệu

Giới thiệu


Viện Tài nguyên và Môi trường được thành lập ngày 17/11/2016, tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, trở thành  đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Đây là bước trưởng thành đầy ý nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển.

Ngày 15/11/1985, cùng với sự phát triển của đất nước sau thời kỳ “đổi mới”và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được ra đời. Mục tiêu của Trung tâm trong thời điểm này là nghiên cứu thực hiện Chiến lược do Chương trình Quốc gia “Nghiên cứu Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ môi trường” đề ra, đồng thời thực hiện một số hướng nghiên cứu mới, kết hợp với đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ về môi trường cho đất nước. Đến tháng 8 năm 1995, Trung tâm được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ra quyết định sắp xếp và tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường – Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985) và Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn – Đại học Sư phạm Hà Nội I (1987) thành Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội. Và đến năm 2014, một lần nữa Trung tâm lại được tăng cường sức mạnh do tái cấu trúc, sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Biến đổi toàn cầu trực thuộc ĐHQGHN thành Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường ngày nay.

Trải qua hơn 30 năm phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy và trò, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã trở thành một đơn vị nghiên cứu và đào tạo tiên phong, có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chính công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã làm nên thương hiệu “CRES” của Trung tâm và đây cũng là lĩnh vực mang lại nhiều thành tựu nhất cả về khoa học, kinh tế và phát triển đội ngũ của Trung tâm. Các cán bộ của Trung tâm đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như  Bằng Danh dự Global 500 của UNEP, Giải thưởng Hành tinh Xanh 2003 (Blue Planet), giải thưởng COSMOS của Nhật Bản, giải thưởng Nobel Hòa Bình về Môi trường… Về mặt tập thể, Trung tâm đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen của các bộ ngành và các địa phương cho thành tích nghiên cứu khoa học và đào tạo của Trung tâm.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, thế giới trở nên nóng, phẳng và chật hơn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu và sự lựa chọn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển như hiện nay; trong giai đoạn phát triển mới của ĐHQGHN, phấn đấu trở thành một đại học nghiên cứu có đẳng cấp ở khu vực và thế giới; Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường một mặt cần tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống, thế mạnh của mình, mặt khác, Trung tâm cần tận dụng các thời cơ mới, vượt qua những thách thức hiện có để chuyển mình lên một tầm vóc mới, một quy mô tổ chức mới. Việc nâng cấp thành Viện Tài nguyên và Môi trường chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với nguyện vọng trên của Trung tâm.

Sứ mệnh

Là tổ chức KH&CN triển khai và liên kết các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, phát triển và thực thi các chiến lược, kế hoạch hành động và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ĐHQGHN.

Tầm nhìn

Trở thành viện nghiên cứu tích hợp liên ngành, liên lĩnh vực hàng đầu Việt Nam và mang tầm khu vực và thế giới về bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chức năng

  • Nghiên cứu khoa học (NCKH) và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
  • Thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về các chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan theo quy định hiện hành.
  • Tư vấn và hoạt động dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.

Nhiệm vụ

  1. Nghiên cứu khoa học và công nghệ
  • Tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai (R&D) trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
  • Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tri thức, công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững… phục vụ tăng trưởng xanh trong điều kiện biến đổi toàn cầu.
  1. Đào tạo, bồi dưỡng
  • Tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ; phối hợp với các trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
  • Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn các kiến thức về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
  1. Tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ
  • Tham mưu, tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN trong xây dựng và phát triển hoạt động NCKH và đào tạo, bồi dưỡng trong các lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
  • Tư vấn chính sách, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược hành động cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, trong đó có báo cáo đa dạng sinh học quốc gia thường niên và định kỳ.
  • Thực hiện các hoạt động dịch vụ KH&CN, đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch môi trường, quy hoạch đa dạng sinh học, chuyển giao các giải pháp hữu ích, mô hình, quy trình và dây chuyền công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cho các cơ quan, tổ chức của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế.
  • Tư vấn trong khu vực và quốc tế (tiểu vùng Mekong, ASEAN, Asia…) về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
  • Thực hiện các công tác chuyên môn trong vai trò là cơ quan thẩm quyền khoa học của Công ước CITES và các công tác chuyên môn trong vài trò là Hội viên của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.

Liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện với các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN trong triển khai các hoạt động NCKH, đào tạo và tư vấn chính sách; sử dụng và chia sẻ các nguồn lực, cơ sở vật chất theo quy định của ĐHQGHN.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc ĐHQGHN giao

Cơ cấu tổ chức của Viện

  1. Lãnh đạo Viện
  2. Hội đồng Khoa học và Đào tạo
  3. Phòng chức năng:
  • Phòng Hành chính và Hợp tác phát triển
  • Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Đào tạo

Các phòng chuyên môn:

  • Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn
  • Phòng Nghiên cứu Biến đổi toàn cầu và Phát triển bền vững
  • Phòng Nghiên cứu Đất ngập nước và Biển đảo
  • Phòng Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn
  • đ) Phòng Nghiên cứu Tổng hợp và Công nghệ môi trường
  • Phòng Thí nghiệm và Phân tích môi trường

Đơn vị phục vụ, dịch vụ: Trung tâm Tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ.