Đột phá về tín chỉ carbon ngay trong ngày họp đầu tiên

Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Gần 200 quốc gia tham gia COP29 đã thông qua tiêu chuẩn mới về tín chỉ carbon, đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn.

COP29: Thông qua tiêu chuẩn mới về tín chỉ carbon toàn cầu
Các đại biểu dự COP29 tại Azerbaijan

Hội nghị COP29 diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu gia tăng, gây sức ép lớn để các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bước đột phá về tín chỉ carbon ngay trong ngày đầu tiên (11-11) của Hội nghị COP29 không chỉ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường carbon hoàn chỉnh trong tương lai gần, mà còn mang lại công cụ hiệu quả để thế giới thúc đẩy mục tiêu cứu “ngôi nhà chung” trước những hiểm họa khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tín chỉ carbon hay còn gọi là chứng nhận phát thải khí nhà kính, là một công cụ kinh tế được sử dụng để quản lý lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc lượng khí nhà kính khác tương đương vào bầu khí quyển. Hệ thống tín chỉ carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia đã đạt mức giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín chỉ carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác.

Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, LHQ đã xây dựng những quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín dụng trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán tín chỉ carbon tự nguyện vấp phải nhiều bê bối do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Các tiêu chuẩn được thông qua tại Baku được hy vọng sẽ cho phép phát triển những quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín chỉ mà một dự án nhất định có thể nhận được.

Tài chính khí hậu: chặng đường dài phía trước

Chủ tịch COP29 – Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan Mukhtar Babayev – ca ngợi bước đột phá này, nhưng lưu ý về việc các quốc gia vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa. Bởi, với việc đạt được sự nhất trí tại COP29 về tín chỉ carbon, một số quy tắc cơ bản quan trọng để đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng các khía cạnh quan trọng khác của khuôn khổ chung, như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.

Theo ông Mukhtar Babayev, việc các nước đạt được nhất trí về tín chỉ carbon có thể giúp giải phóng tới 250 tỷ USD chi tiêu một năm để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Một khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia, chủ yếu là các quốc gia giàu có gây ô nhiễm bù đắp lượng khí thải bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính vượt mức đã cam kết. Các quốc gia mua khí thải sau đó có thể sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết trong kế hoạch quốc gia.

Tại Hội nghị COP29, các nước vẫn tranh cãi về vấn đề tài chính khí hậu, cụ thể các quốc gia vẫn chia rẽ về cách những nước giàu “chi tiền” để hỗ trợ các nước nghèo giảm khí thải CO2 bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, bù đắp cho các thảm họa khí hậu và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt trong tương lai. LHQ ước tính nhu cầu cho mục tiêu này có thể lên tới 1.300 tỷ USD mỗi năm.

Thụy Sĩ đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Nước này kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia giàu có và có lượng khí thải cao, tăng cường đóng góp tài chính vào quỹ khí hậu toàn cầu. Mục tiêu này nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong khi đó, Anh dự kiến công bố một mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, cam kết đến năm 2035 cắt giảm 81% lượng khí thải so với mức năm 1990. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách khử carbon trong ngành điện và thông qua việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, cũng như đầu tư vào thu giữ, lưu trữ carbon và năng lượng hạt nhân.

Tại Hội nghị COP29, các quốc gia tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi như tài chính khí hậu, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại diễn đàn này đã nhấn mạnh đến 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm: giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và tài chính.

Tổng thư ký LHQ kỳ vọng, các nước sẽ thực hiện các cam kết về tài chính, còn các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ USD vào năm 2025. Theo ông, cam kết tài chính cho vấn đề khí hậu không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư, hành động vì khí hậu không phải là sự lựa chọn mà là mệnh lệnh./.

Các cuộc thảo luận về quỹ tài chính khí hậu mới cũng như việc sửa đổi chính sách thương mại dự kiến sẽ là trọng tâm của các vòng đàm phán. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang hoành hành tại nhiều khu vực trên toàn thế giới, từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ngoài ra, năm 2024 cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử với nền nhiệt tăng theo cấp số nhân.

Trong số gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Baku, những bên đóng vai trò chính bao gồm: Trung Quốc – nước phát thải lớn nhất thế giới, duy trì quan điểm cho rằng các nước phát triển nên dẫn đầu trong hành động và tài chính về khí hậu; Mỹ – nước phát thải lớn thứ hai và Liên minh châu Âu (EU) – một khu vực đóng góp lớn cho tài chính về khí hậu. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP29 được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khuôn khổ COP29, các bên sẽ đàm phán Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) — một mục tiêu tài chính khí hậu tham vọng hơn, minh bạch hơn và có thể dự đoán được nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một thỏa thuận lên tới 1 nghìn tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển cũng nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của COP29. Thỏa thuận này sẽ thay thế cam kết 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển đã đưa ra vào năm 2009 để hỗ trợ các nước đang phát triển. Mục tiêu này sau đó đã được thông qua và gia hạn đến năm 2025 trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Mức cam kết ban đầu 100 tỷ USD được cho là không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế cùng với việc các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay.

COP29 cũng là sự kiện cuối cùng trước thời hạn tháng 2/2025 để cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), từ đó tạo động lực cho các cam kết khí hậu quốc gia tham vọng hơn. Điều quan trọng là NDC phải phản ánh kết quả của đánh giá toàn cầu (GST) được thông qua tại COP28, đặc biệt là quyết định mang tính lịch sử về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy tắc cho giao dịch carbon quốc tế theo Điều 6 cũng là nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của COP29. Các cuộc đàm phán tiến triển đều đặn đã mở ra hy vọng để các chuyên gia tin rằng có thể đạt được đột phá trong năm nay. Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán đầy đủ có thể bắt đầu, chương trình nghị sự cụ thể trước tiên phải được thông qua và đây cũng là ưu tiên trong ngày làm việc đầu tiên của COP29.

Nguồn: kinhtevadubao.vn